CÁCH XÂY DỰNG CÂU CHUYỆN THƯƠNG HIỆU HAY VÀ HIỆU QUẢ
Câu chuyện thương hiệu trong Marketing nói chung và Truyền thông nói riêng giờ đây được coi như là một chiến thuật để thương hiệu tiếp cận và “làm quen” với khách hàng. Có được một câu chuyện hay sẽ là một “nước cờ” hiệu quả giúp thương hiệu không chỉ tạo ấn tượng mà còn khiến khách hàng ghi nhớ về mình. Nhưng thế nào là một câu chuyện hay và làm sao để xây dựng được một câu chuyện hiệu quả? Cùng tham khảo qua bài viết dưới đây.
Câu chuyện thương hiệu (Brand Story) là gì?
Về mặt câu chữ, “Câu chuyện thương hiệu” đã thể hiện rõ ràng ngữ nghĩa của nó. Đó là một câu chuyện của thương hiệu, được thương hiệu viết ra để giới thiệu tới công chúng. Nhưng nó không chỉ đơn giản là những thông tin cơ bản như: chúng tôi tên là gì, chúng tôi ở đâu, chúng tôi bán gì… mà đằng sau mỗi câu chuyện thành công đều là cả một “nghệ thuật kể chuyện”.
Tuy vậy, có rất nhiều doanh nghiệp hiện nay lại đang xây dựng câu chuyện của mình theo lối tư duy: Tôi muốn nói gì? thay vì: Công chúng muốn nghe gì? Có nghĩa là, họ kể một câu chuyện mà ở đó sản phẩm, dịch vụ và bản thân thương hiệu là yếu tố trung tâm. Cách làm này có lẽ bắt nguồn từ suy nghĩ cho rằng chỉ cần giới thiệu đủ về doanh nghiệp, về thương hiệu, về sản phẩm để khách hàng biết được những thông tin cơ bản là đủ. Nhưng khi chúng ta đặt một câu hỏi ngược lại là: Liệu công chúng có quan tâm ta là ai? Liệu họ có để tâm tới việc ta bán thứ gì? Lúc này, ta có thể dễ dàng thấy rằng, cách viết câu chuyện thương hiệu không phải là đứng từ góc nhìn doanh nghiệp muốn nói gì, mà phải đứng từ vị trí của công chúng muốn nghe gì. Chúng ta muốn có được sự quan tâm từ công chúng nói chung hay đối tượng khách hàng mục tiêu nói riêng, thì chúng ta phải mang đến giá trị cho họ; chứ không phải là “thao thao bất tuyệt” về bản thân và tự cho rằng đó là câu chuyện của thương hiệu.
Cách xây dựng câu chuyện thương hiệu hay và hiệu quả (Ảnh: Sưu tầm)
“Công thức” nào để xây dựng một câu chuyện hay và hiệu quả?
Trước hết, cần nhận định đúng đắn thế nào là câu chuyện thương hiệu hay?
Khái niệm “hay” có lẽ là một khái niệm mang tính cảm tính và có phần chủ quan, khi đối với người này là hay, nhưng đối với một người khác thì chưa chắc. Vậy, nên hiểu một câu chuyện thương hiệu hay là một câu chuyện truyền tải được: tên thương hiệu, thông điệp nhân văn hoặc tôn vinh các giá trị cốt lõi. Nghe thì có vẻ rất trừu tượng, ta cùng “ngó” qua một số câu chuyện nổi tiếng từ các thương hiệu lớn sau đây để làm rõ điều này.
Đầu tiên, có lẽ ai cũng biết tới câu chuyện sữa sạch của TH True Milk. Có thể nói là một thương hiệu “sinh sau đẻ muộn”, gia nhập thị trường tương đối trễ so với những ông lớn như Vinamilk hay Dutch Lady. Nhưng TH kể một câu chuyện về sữa sạch nơi mà người tiêu dùng “có lãi” khi được sử dụng sản phẩm sữa tươi tốt nhất (chia sẻ từ bà Thái Hương - nhà sáng lập thương hiệu TH). Thay vì nói chúng tôi bán sữa sạch, TH nói người tiêu dùng “có lãi” từ việc sử dụng sản phẩm của chúng tôi. Rõ ràng, cùng là truyền tải thông điệp sữa sạch và dụng ý muốn nhấn mạnh USP (Unique Selling Point) này; nhưng cách nói khác đi một chút, lấy góc nhìn của người tiêu dùng làm cốt lõi thì TH đã có được một câu chuyện nhân văn và ý nghĩa.
Hay như câu chuyện “gã nhà quê làm thương hiệu” và slogan “Hãy nói theo cách của bạn” của Viettel. Bản thân thương hiệu xuất phát từ chỗ cung ứng sản phẩm, dịch vụ cho những vùng nông thôn còn nghèo khó, những vùng hải đảo xa xôi - có nghĩa là, những ngách thị trường tương đối nhỏ - cho tới vị thế tập đoàn viễn thông lớn nhất nhì Việt Nam; thì câu chuyện đặt người dùng vào trung tâm, luôn lắng nghe khách hàng và để cho khách hàng thoải mái nói theo cách của họ đóng một vai trò vô cùng quan trọng. Phải khẳng định rằng đây là một câu chuyện thương hiệu rất hay và ý nghĩa, rằng không có một từ nào khẳng định vị thế doanh nghiệp nhưng tất cả đều thay cho lời khẳng định đó. Trên trang chủ của Bộ Công Thương Việt Nam, câu chuyện của Viettel còn được gọi là một câu chuyện đầy cảm hứng.
Thế nào là câu chuyện thương hiệu hay (Ảnh: Sưu tầm)
Cách viết câu chuyện thương hiệu hiệu quả?
Thực tế, không có lý thuyết ràng buộc rằng bạn phải kể câu chuyện của mình ra sao, bắt đầu từ bước nào và kết thúc ở bước nào. Vì thế, hãy bắt đầu từ những thứ chân thật nhất rằng tại sao bạn bắt đầu việc kinh doanh này và tại sao bạn kinh doanh sản phẩm đó. Tuy nhiên, nếu câu trả lời là vì lợi nhuận thì bạn nên phân tích nó một cách sâu xa hơn. Đây là lý do kinh doanh quá cơ bản và sẽ chẳng ai muốn nghe câu chuyện này hết.
Trước khi bạn kinh doanh vì lợi nhuận, ắt hẳn bạn phải có một động lực sâu hơn thế. Chẳng hạn như, bạn đã từng rơi vào những hoàn cảnh khó khăn rồi chúng thôi thúc bạn phải phát triển bản thân và tiến về phía trước. Hoặc như bạn nhìn thấy rất nhiều bất cập trong đời sống và bạn muốn kinh doanh để đóng góp một phần công sức của mình vào quá trình xây dựng và phát triển cộng đồng. Rõ ràng, đây sẽ là những thông điệp truyền cảm hứng hơn và cũng “chạm” hơn.
Nhưng chúng ta cũng thừa hiểu với nhau rằng, không phải doanh nghiệp nào cũng có sẵn một câu chuyện truyền cảm hứng. Đừng lo, đôi khi ta chỉ nghĩ việc ta làm là chạy theo lợi ích của ta mà vô tình quên mất rằng sâu trong bản chất, ai cũng có khát khao cống hiến.
Hãy bắt đầu từ chính động lực của bản thân, bắt đầu từ những thứ chân thật nhất. Bởi những thứ xuất phát từ trái tim sẽ chạm được tới trái tim. Sau đó, khi đã quyết định được rằng ta sẽ kể về thứ gì rồi, ta tiếp tục tới khâu xem xét rằng ta sẽ kể nó như thế nào. Lúc này, điều tốt nhất nên làm là nhìn câu chuyện từ nhiều hướng. Trong đó, quan trọng nhất là góc nhìn của công chúng. Rằng họ muốn nghe câu chuyện theo hướng nào, rằng câu chuyện ấy sẽ mang lại giá trị gì cho họ, có khiến họ cảm động hay không, có khiến họ được tiếp thêm năng lượng hay không?...
Vậy sau khi đã có ý tưởng, đâu là những lưu ý cuối cùng cần được lưu tâm trước khi chúng ta “đặt bút” viết ra câu chuyện của mình.
Cách viết câu chuyện thương hiệu hiệu quả (Ảnh: Sưu tầm)
Các lưu ý cần quan tâm để viết được một câu chuyện hay.
Thứ nhất, khi chúng tôi nói về việc hãy đào sâu động lực kinh doanh của bạn và kể nó theo hướng mang lại giá trị truyền cảm hứng, điều này không có nghĩa là ta nên “tô vẽ” cho câu chuyện của mình trở nên mĩ miều hơn. Thậm chí, nó còn có thể phản tác dụng! Hãy thật lòng với những gì ta nói ra, để cho những gì ta kể và những gì ta làm luôn là đồng nhất. Không một người tiêu dùng nào không biết rằng ta kinh doanh thì phải có mục tiêu lợi nhuận, vì thế đừng cố gắng làm cho mọi thứ trở nên quá hào nhoáng, những điều từ tâm sẽ luôn là thứ giá trị vĩnh cửu.
Thứ hai, đừng quên đặt khách hàng vào vị trí trung tâm của câu chuyện, họ phải là nhân vật chính chứ không phải là thương hiệu hay sản phẩm. Những câu chuyện thương hiệu ý nghĩa luôn là những câu chuyện mà ở đó, khách hàng nhìn thấy bản thân họ, cảm thấy được đồng cảm và được tôn trọng. Nhấn mạnh với bạn đọc rằng, đây chính là một trong những sai lầm điển hình của những người làm thương hiệu theo tư duy một chiều.
Điều cuối cùng chúng tôi muốn chia sẻ, để có được một câu chuyện thương hiệu hay, đừng viết nó quá dài. Chúng ta không có quá nhiều thời gian và không gian để kể và công chúng thì cũng không dư thừa sự chú ý. Vì vậy, ngắn gọn - súc tích - tiết chế - đủ hàm ý, là tiêu chí ta nên đối chiếu để đảm bảo tính hiệu quả cho câu chuyện của mình.
Lưu ý khi xây dựng câu chuyện thương hiệu (Ảnh: Sưu tầm)
Dĩ nhiên, sự sáng tạo là không có giới hạn và cũng không có một cách viết câu chuyện thương hiệu khuôn mẫu nào. Những gợi ý phía trên của chúng tôi không nhất thiết phải là quy chuẩn, hãy xem đây như những chia sẻ và hi vọng rằng chúng mang lại giá trị tham khảo tới bạn.
KAIZA CO.,LTD
Điện thoại: 0837 565 828
Email: info@kaiza.vn
Website: www.kaiza.vn
Fanpage: fb.com/Kaiza.vn
Địa chỉ: 48 Hoàng Hoa Thám, Phường 5, quận Bình Thạnh, Ho Chi Minh City, Vietnam
Xem thêm:
>>> Dịch vụ thiết kế Logo của Kaiza
>>> Xây dựng thương hiệu với yếu tố "Cảm xúc"