XÂY DỰNG THƯƠNG HIỆU VỚI YẾU TỐ "CẢM XÚC"

25/02/2025

Xây dựng thương hiệu có lẽ không còn là một khái niệm xa lạ với những nhà quản trị marketing nói chung và người làm thương hiệu nói riêng. Nhưng quá trình này chưa bao giờ là một quá trình đơn giản; thậm chí, nó còn luôn biến đổi và phát triển đòi hỏi những nỗ lực sáng tạo và đổi mới liên tục. Với sự phát triển chung của nền kinh tế, sự cạnh tranh ngày càng khốc liệt và đó cũng là lúc tính khác biệt, yêu cầu làm việc từ “cái tâm” cùng mạch kết nối cảm xúc với khách hàng trở thành yếu tố quan trọng trong quá trình xây dựng thương hiệu.

Yếu tố “Cảm xúc” là gì?

“Cảm xúc” là trạng thái tâm lý con người, được tạo ra khi chúng ta phản ứng lại với môi trường xung quanh hoặc các yếu tố khác tác động đến nhận thức. Yếu tố “Cảm xúc” trong chiến lược xây dựng thương hiệu được sử dụng trong những nỗ lực kết nối với khách hàng. 

Có nhiều cách để doanh nghiệp tạo dựng mối quan hệ với khách hàng và người tiêu dùng của họ. Tuy nhiên, có những doanh nghiệp chỉ dừng lại ở mối quan hệ “người mua - kẻ bán” - chỉ cần hoàn thành giao dịch thì mọi thứ coi như hoàn tất. Họ thiết lập mối quan hệ dựa trên câu hỏi: Làm sao để tôi có thể bán được sản phẩm của mình; thay vì: Làm sao để tôi mang lại giá trị cho khách hàng của mình? Đó chính là lúc yếu tố “Cảm xúc” dường như không được coi trọng và áp dụng trong những nỗ lực làm thương hiệu. Doanh nghiệp vẫn có thể thu hút được khách hàng, nhưng câu chuyện giữ chân họ và khiến họ quay trở lại với thương hiệu nhiều lần nữa, thì phải tạo ra được cho họ thứ cảm xúc tích cực. 

xay-dung-thuong-hieu-1.jpg

Yếu tố Cảm xúc trong xây dựng thương hiệu (Ảnh: Sưu tầm)

Tại sao yếu tố “Cảm xúc” lại trở nên quan trọng trong quá trình xây dựng thương hiệu?

Hãy tưởng tượng bạn là chủ một doanh nghiệp F&B với sản phẩm chính là Cafe nguyên chất và bạn đang phải cạnh tranh cùng mười đối thủ khác với sản phẩm tương tự. Lúc này, bài toán đặt ra để bạn có thể “win” thị trường đó là: hoặc Cafe của bạn là loại hảo hạng, loại điểm 10 mà các đối thủ chỉ là điểm 4, điểm 5; hoặc thương hiệu của bạn phải làm cho khách hàng vui vẻ, tích cực, thỏa mãn, có nhu cầu muốn trải nghiệm sản phẩm. 

Nhưng liệu có bao nhiêu thương hiệu trên thị trường có thể vượt trội hoàn toàn về mặt sản phẩm đến vậy và chiến thắng mà không cần tạo ra cảm xúc cho khách hàng? Liệu có bao nhiêu doanh nghiệp chỉ xây dựng thương hiệu dựa trên sản phẩm riêng biệt mà không nỗ lực kết nối với khách hàng?

Thực tế là, các thương hiệu lớn đều thể hiện rõ sự chú trọng và đầu tư của họ trong hành trình kết nối cảm xúc với người tiêu dùng. Những nỗ lực này có thể thấy rõ từ quá trình nâng cao chất lượng sản phẩm cốt lõi tới những chiến dịch truyền thông hướng đến đối tượng khách hàng mục tiêu. 

Nếu như chiến lược truyền thông của bạn đang chỉ dừng lại ở những nội dung giới thiệu sản phẩm và rồi chạy quảng cáo (Social Ads) tràn lan thì đây chính là dấu hiệu mà bạn cần phải chậm lại, ngồi xuống và nhìn nhận lại chiến lược branding của mình. Theo báo cáo từ Kantar, tỷ lệ người dùng chú ý đến quảng cáo trên các nền tảng mạng xã hội đã giảm từ 43% ở năm 2023 xuống chỉ còn 31% trong năm 2024. 

Quay trở lại với ví dụ bán Cafe được đặt ra ở trên, khách hàng có thể nghe vô vàn lần rằng cafe của bạn là thượng hạng nhất, là ngon nhất nhưng họ cũng có thể quên đi ngay sau đó. Vậy thì, chẳng phải những nỗ lực xây dựng thương hiệu  của bạn sẽ đổ sông đổ biển? Ngược lại, nếu bạn tận dụng yếu tố cảm xúc và nói rằng: khách hàng của tôi là những thực khách vô cùng có gu, am hiểu về cafe và luôn biết thưởng thức thứ mỹ vị đẳng cấp nhất của loại đồ uống này. Ngay lập tức, bạn vừa gián tiếp khẳng định chất lượng sản phẩm vừa làm cho khách hàng cảm giác muốn trở thành “người có gu” ấy và hào hứng trải nghiệm cafe của bạn. 

Vậy, các thương hiệu lớn đã làm gì với yếu tố này?

Thực tế rằng họ đã dùng rất nhiều chiến thuật để tận dụng yếu tố “Cảm xúc” xuyên suốt quá trình xây dựng thương hiệu. 

1. Bằng việc kể một câu chuyện truyền cảm hứng

Nike kể câu chuyện nơi mà họ không hề nói về sản phẩm mà họ tôn vinh người dùng. Ở bức tranh họ vẽ ra, mỗi khách hàng đều là một người hùng, đều là một ngôi sao tài năng cho dù không phải là những vận động viên trên sàn đấu. Điều này làm cho khách hàng của Nike cảm thấy rằng họ được tôn trọng, được công nhận và từ đó, sợi dây cảm xúc tích cực giữa khách hàng và thương hiệu đã được hình thành. 

Hay như câu chuyện “Dẫn lối tiên phong” của Vinfast, họ cũng không kể về dòng xe hơi chuẩn bị ra mắt mà họ tôn vinh tinh thần dám nghĩ, dám làm của người Việt Nam. Người tiêu dùng vẫn thường có tâm lý nghi ngờ các dòng sản phẩm từ các thương hiệu Việt Nam, đặc biệt là các sản phẩm công nghệ cao như xe hơi. Nhưng bằng việc chú trọng vào tâm lý đó và tìm cách khai thác chúng, Vinfast đã có được một câu chuyện thương hiệu nhân văn và truyền cảm hứng. Hành trình xây dựng thương hiệu của Vinfast có thể nói là một hành trình không hề đơn giản khi vốn từ đầu, thương hiệu đã phải đối mặt với nhiều định kiến. 

xay-dung-thuong-hieu-2

Câu chuyện truyền cảm hứng (Ảnh: Sưu tầm)

2. Bằng việc triển khai một chiến dịch truyền thông cảm động 

Trong dịp Tết Nguyên đán 2025 vừa qua, Pepsi đã tiếp tục triển khai chiến dịch “Mang Tết về nhà, làm con ba mẹ”. Chiến dịch truyền tải câu chuyện về góc nhìn của ba mẹ trên chặng đường nuôi dưỡng đứa con của mình từ khi chào đời tới khi chúng trưởng thành và rời xa mái nhà để chinh phục những thử thách riêng. Hạnh phúc của cha mẹ từ đó gói gọn vào những ngày con trở về nhà. Đây không phải là một thông điệp mới, nhưng bằng cách kể sáng tạo và khéo léo, thương hiệu vẫn tạo ra làn sóng hưởng ứng tích cực và chắc chắn đã có rất nhiều người tiêu dùng cảm thấy yêu thương Pepsi nhiều hơn khi thương hiệu đã chạm đến cảm xúc của họ. Pepsi đã xây dựng thương hiệu không chỉ bằng những “cuộc chiến” vui nhộn với Coca, không chỉ bằng những chiến dịch xúc tiến bán đa dạng mà còn bằng cả tấm lòng với sự đồng cảm.  

Hay vào năm 2023, nhãn hàng Laurier đã có chiến dịch trích doanh thu để gây quỹ quyên góp cho bệnh nhân mắc ung thư vú. Chiến dịch này không chỉ tác động đến lòng trắc ẩn của người tiêu dùng mà còn thể hiện được tính nhân văn và trách nhiệm của thương hiệu trong việc giúp đỡ những người yếu thế. Từ đó, hình ảnh thương hiệu cũng trở nên tốt đẹp hơn và nhận được nhiều ủng hộ từ khách hàng hơn. 

xay-dung-thuong-hieu-3

Chiến dịch truyền thông cảm động (Ảnh: Sưu tầm)

3. Bằng những chiến dịch tham khảo ý kiến khách hàng

Điển hình là các chiến dịch A/B testing - nơi mà thương hiệu nghiên cứu và thử nghiệm phản ứng, sở thích của khách hàng đối với hai lựa chọn mà thương hiệu đưa ra. Nếu không phải vì chú trọng đến cảm xúc của người tiêu dùng, có lẽ các doanh nghiệp đã lựa chọn sản phẩm nào ít chi phí sản xuất hơn, có tiềm năng bán được với giá cao hơn, tối đa lợi nhuận hơn và quyết định dựa trên số liệu chủ quan từ nội bộ. Nhưng thay vào đó, họ sẵn sàng chi trả một nguồn kinh phí không nhỏ cho các chiến dịch thử nghiệm và khảo sát ý kiến người dùng. Điều này khẳng định rằng các thương hiệu lớn luôn sẵn sàng đầu tư và tập trung vào bài toán: Làm sao để chúng tôi tạo ra cảm xúc tích cực và mang lại giá trị chân thực cho khách hàng. 

xay-dung-thuong-hieu-4

Chiến dịch tham khảo ý kiến khách hàng (Ảnh: Sưu tầm)

Cảm xúc vốn là yếu tố vô hình và cũng vô cùng khó để nắm bắt. Vì thế, việc áp dụng yếu tố này cũng không hề đơn giản. Vậy câu hỏi là: tôi có thể đưa yếu tố này vào đâu trong quá trình làm thương hiệu? Câu trả lời là hãy bắt đầu xây dựng thương hiệu từ việc thiết lập một câu chuyện nơi mà bạn đồng cảm, thấu hiểu với khách hàng, nơi mà bạn đặt khách hàng vào vị trí trung tâm; hay thiết kế một chiếc logo, một bộ nhận diện xuyên suốt và có ý nghĩa. Điều này sẽ giúp thương hiệu của bạn trở nên đồng bộ, có chiều sâu, có tính cách hơn và từ đó, chúng sẽ tạo ra cảm xúc kết nối tới khách hàng.

KAIZA CO.,LTD

    Điện thoại: 0837 565 828

    Email: info@kaiza.vn

    Website: www.kaiza.vn

    Fanpage: fb.com/Kaiza.vn

    Địa chỉ: 48 Hoàng Hoa Thám, Phường 5, quận Bình Thạnh, Ho Chi Minh City, Vietnam

Xem thêm: 

>>> Dịch vụ thiết kế Logo của Kaiza

>>> Dịch vụ thiết kế nhận diện thương hiệu của Kaiza


Youtube Facebook instagram Twitter Pinterest